CHIỀU CUỐI NĂM

Cuối năm chiều đi rất vội
Hỏi đời còn đến bao lâu
Băn khoăn như thằng mắc nợ
Trả hết năm này còn mãi năm sau

Cuối năm mây trời cũng lạ
Dùng dằng nỗi nhớ nổi trôi
Chơi vơi như đò hụt chuyến
Vội vã bên nầy lóng nhóng bên kia.

NỬA ĐÊM/ ĐỌC LẠI HỒN XƯA

Nửa đêm
những ngọn đèn vàng vọt ven đường
đêm giấu mặt trong sương mùa nguyệt lãm
trăng của nửa chừng thu dường ảm đạm
người nửa chừng qua thành khói xám mơ hồ.
Đọc lại hồn xưa

đêm đọc Hoàng hạc lâu

nhớ về cố quận
hồn chùng buốt tận sơn khê
xứ người quan san cách trở
trùng vây mây trắng lối về
cố nhân
hạc vàng ngày nọ
một lần bay biệt mù tăm
sông xưa cũng đầy khói sóng
sóng chìm một bóng xa xăm.

NHỮNG LỤC THẬP BUỒN

có những phiến buồn lục thập
như ráng chiều vương vạt cỏ ven đường
là thoáng mơ hồ tiếng gọi ngàn phương  
hồn giục giã những phương trời xa thẳm

lục thập loay hoay tháng ngày ngục thất
vây quanh là hương sắc men nồng
xoay xở mình trong phố thị mênh mông 
chiều ngóng gió như ngóng tình trở lại

lục thập buồn hiu từng đêm trăn trở 
hương thuở nào váng vất đêm thâu
bóng hình qua bóng tình lãng vãng
hay đâu nước chảy qua cầu

lục thập lao đao buôn tình lỗ vốn
bạn bè nay xao xác lưa thưa
tình nhân đã chim trời cá bể
cố níu thời gian vuột mất bóng mình
này lục thập 
già nua như câu hò lục bát
tàn phai giấc mộng giang hồ
tóc rối bời trong chiều gió lớn
bạc màu ẩn náu trăng khuya .

SG 10/18









CÓ NHỮNG CHIỀU NHƯ THẾ

có những chiều đành đoạn qua mau 

dấu vết son môi nhạt theo ngày tháng 
sương chiều như váng sầu mùa cũ 
hoa cỏ ven đường cũng động lòng nhau 

có những chiều lang thang trong phố chợ 
chợt nghe vang tiếng nói quê nhà 
kệ ánh mắt nhìn môi thầm cười nụ 
gợn nước của người sóng cả đời ta

có những chiều mây giang hồ tụ lại 
chốn sông hồ bèo nước gặp nhau 
quẳng hết gươm đao chỉ bầu rượu nóng 
làm mưa dầm cho thấm cuộc bể dâu

có những chiều lẳng lặng qua đi 
không tiếng chia ly không lời từ giã
bước vội bước vàng đời qua bao ngã 
còn rất lâu mới gặp lại mùa ngâu 

có những chiều đi qua từng phố nhỏ 
trời cao đất thấp bước lan man 
thoáng hương trầm nhà ai phảng phất 
gợi tiếng chuông chiều nhắc tuổi hoàng hôn 

là có những chiều như thế 
hồn như con ròng rọc 
kéo chiều lên rồi thả xuống 
mặc chiều rơi

KHÚC THÁNG CHẠP

tháng chạp trôi như trút hơi tàn 
như chiếc gạt tàn đầy mẩu vụn 
ký ức lao xao tràn về hổn độn 
xoay xở hướng nào cũng thấy tàn phai

tháng chạp rầu rầu như tình đoạn cuối  
nửa chia ly nửa níu nhau về 
mưa cứ dầm như lời kể lể 
hỏi nhau hoài chẳng biết làm chi

tháng chạp quê xa vướng víu quê người 
qua biển rộng vẫn chiếc thuyền độc mộc 
tháng chạp đẩy hồn lên đỉnh dốc 
lững lơ nơi biên hải phận đời 

tháng chạp đường tuyệt mù mưa gió 
ngẩn ngơ tìm những bước thanh xuân 
đời đã trải biết bao lần trắc trở 
vẫn bước chông chênh 
những khoảnh chạnh lòng.

TẢN MẠN: AI QUA?

Nếu ví von đời người như cuốn sách thì từ tuổi bốn mươi tưởng chừng như có thể bắt đầu những chương êm đềm hay ít nhất cũng dễ chịu hơn, vậy mà không phải. Nhớ lúc gần bốn mươi tuổi còn ở quê nhà, công việc khá ổn định, một lần ngồi với mấy thằng bạn, một thằng than, sáng nay ngủ dậy đau lưng rồi cảm thán rằng, sắp bốn mươi, đã đến lúc tính sổ cuộc đời được rồi. Hắn nói mà không biết là nói quá sớm. Mà quá sớm thật, thế giới bây giờ đã thay đổi đến chóng mặt, nhu cầu ngày càng nhiều và càng cao, ai dù có bảo thủ cách mấy cũng vẫn bị cuốn hút theo cái vận hành của đời sống, khó cưỡng được. Sống từ trong nước ra đến xứ người thấy ai tuổi bốn mươi, thậm chí năm mươi, giàu theo kiểu giàu, nghèo theo kiểu nghèo cũng vẫn còn quay cuồng vật lộn với đời sống, không như cha ông mình ngày xưa lúc nào cũng có vẻ an nhàn thảnh thơi.

Mười lăm năm trước,tuổi bốn mươi, trên xứ người với cuộc sống khác biệt như hai mặt bàn tay, ngày đầu tiên đưa cô con gái lớn đi học, một cảm giác vẫn còn nhớ rõ, hình ảnh cô nữ sinh 16 mới cách đây chỉ mấy tháng trong chiếc áo dài trắng cùng bạn bè tung tăng đến trường, tuổi xuân phơi phới nay thì quần Jean áo pull mang giày thể thao, cặp sách vở mang trên lưng như ba lô lính trận, ù té chạy cho kịp lớp trong ngôi trường rộng thênh thang giữa những người xa lạ; cho dù có tự an ủi một tương lai có thể khá hơn, một cảm giác buồn buồn, xót xa không kềm được, từ đây con sẽ vĩnh viễn mất hẳn những ngày xưa, tuổi trẻ dễ thích ứng và sẽ chóng quên ngày tháng cũ. Những tháng đầu làm việc trên đất Mỹ lại là một trải nghiệm hoàn toàn mới và mới toanh. Cho dù đã có nghe qua sách vở, báo chí , từ người thân hay quen, chỉ đến khi thực sự làm việc ở Mỹ mới thấy thế nào là “làm việc”, đừng nói là công nhân, cả những nhân viên văn phòng cao cấp hay ngay cả những ông chủ, 8 giờ là đúng 8 giờ cặm cụi làm, không thấy ai thúc ép nhưng ai cũng làm như thể ngưng làm là có lỗi với người khác, ăn vội nghỉ vàng đúng giờ như những cái máy, hết giờ làm là mừng hết lớn, cứ so với cách làm việc lúc ở trong nước là cảm thấy mệt mỏi và ngao ngán đến thất thần. Xứ giàu có, sống để làm việc cật lực, kiếm tiền để hưởng thụ những tiện nghi quyến rũ tưởng như không có giới hạn, ai có tự trấn an mình bằng câu “tri túc, tiện túc, hà thời túc” thì “túc” xứ nầy cũng co giãn như cây thiết bảng của Tôn Ngộ Không thiên biến vạn hóa hay có “tri nhàn, tiện nhàn…” thì chỉ có nhàn khi đang ngủ.

Cũng cách đây hơn mười năm, trong khu vườn nhỏ của căn nhà thuê cũ kỷ, một chiều cuối Đông gặp lại hai thằng bạn học cũ sau mấy chục năm, gặp mới cảm nhận trọn vẹn thế nào là cái đệ nhị hỉ “ tha hương ngộ cố tri”khi ở hẳn ngoài nước. Cùng độ tuổi, đã có một thời thanh xuân lận đận như nhau, cùng một thế hệ trải qua biết bao đau thương, mất mát, hoang mang…lại phong sương đã khá dày dạn nên chi gặp nhau mừng thì có mừng nhưng chẳng đứa nào nhảy cởn lên, không chừng còn chút ngậm ngùi, lần gặp nhau cuối cùng trước đây là đang còn độ xuân xanh, gần hai mươi năm rồi còn chi. Hai thằng đã vợ con, thằng kia vẫn còn ngang ngạnh sống độc thân chưa có dấu hiệu nhượng bộ, đôi khi còn nhìn hai thằng như thương hại, hai thằng lại nhìn thằng độc thân vừa thèm lại vừa ái ngại dùm, dù sao đời sống vợ chồng vẫn luôn là niềm an ủi dịu dàng nhất. Mưu sinh thì hồn ai nấy giữ, khi gặp nhau ngẫm lại cũng vẫn chỉ là một điệp khúc không đổi, bên ly rượu nói chuyện đời, nhắc nhở bạn bè, chọc ghẹo nhau, ngâm thơ hát nhạc, lâu lâu cũng có gây lộn, giận hờn lung tung không đầu không đũa. Vậy mà vẫn cần phải gặp nhau, không gặp không được, cứ như là bữa cơm chiều, cũng bao nhiêu món đó, ngán, nhưng bỏ qua vài hôm là lại nhớ và đói chết. Cứ vậy khi nhặt khi thưa nhưng đến giờ đã kéo dài hơn thập niên, có nhàm chán cũng chịu, tuổi nầy xứ người bạn bè đồng điệu gặp được nhau là của hiếm trừ khi là người thích cô độc.

Con người dễ thích ứng vài năm là đã quen, qua mười lăm năm là đủ lâu, con cái đã trưởng thành, có cuộc sống riêng và quả thật chỉ còn thoáng nhớ quê hương qua những món ăn; thằng bạn độc thân đã phải nhượng bộ đời thường, ham rong chơi nên chậm chân, giờ phải hát ru con, đúng là ái ngại thật, như con ve sầu hát tận đến mùa Thu, may bên đời còn có hoạ mi líu lo hót chung. Mười lăm năm là già đi nhiều lắm, chuyện ở tuổi bốn mươi đã gọi là chuyện xưa, những chuyện tình năm xưa đã mơ hồ như tích cổ. Mười lăm năm bơi trên giòng sông lạ, vẫn chưa thể thân thuộc nhưng đã quen với những giòng chảy, không khéo khi về lại sông xưa lại ngỡ ngàng như giòng chảy mới. Chiều nay tình cờ cũng một chiều cuối Đông như hơn mười năm trước, cũng ba thằng lại ngồi với nhau. Tuổi năm mươi đi gần hết, dù có giảm nhẹ vẫn cứ còn loay hoay với đời, chưa dứt nổi với những hệ lụy chằng chịt khôn cùng, vẫn chưa thấy chút bình an mà thời gian qua nhanh quá. Nhớ hai câu thơ đọc đã lâu của thi sĩ Hery A. Dobson :

“Time goes, you say? Ah no!
Alas – Time stays, we go.”
Bạn nói,Thời gian qua? Ồ .. Không phải đâu.
Chúng ta qua – Thời gian ở lại.”

không chừng nhà thơ nói đúng, người nuối cuộc đời nên cứ nói thời gian qua nhanh quá mà cứ quên đi là chính mình đã đi qua. Thời gian của chiều xưa và chiều nay dường như không thay đổi, bất biến và vĩnh cửu, bạn bè dù tình vẫn thân nhưng cảnh đời mỗi thằng đã mỗi khác xưa, đang và sẽ đi qua những ngỏ ngách khác nhau. Cứ nói là muốn níu thời gian lại, thời gian có đi đâu mà níu, thực ra là muốn níu lại mình, níu gì nổi, chỉ níu lại trong vô vọng cho dù là níu bóng mình. Mà thôi, thời gian qua hay thời gian ở lại cũng được, chắc chắn là chúng ta đang qua, cứ thản nhiên, qua thì qua có gì phải sợ, mà đã qua hết đâu.

ĐỜI QUA MẤY ĐOẠN

ai đã đi qua đời mấy khúc 
buồn như sông lặng buổi triều dâng 
sóng lăn tăn nhấn hồn chìm bao nỗi 
núi chùng mình 
hoàng hôn cũng bâng khuâng 

ai đã cưu mang tình bao dặm 
thuở dáng gầy tre trúc còn xanh 
một đêm tóc loé lên màu bạc 
trăng khuya đã khuyết nửa vành

ai đã đi qua miền lẩn khuất 
đêm trở mình nghe động đậy trần gian 
những mùa xưa theo từng ngày trở mặt 
nhạt nhòa như bóng nắng chiều tàn

ai đã mang theo mùa hoa cũ 
còn vương nặng trĩu hành trang 
tình quê dễ nào đoạn tuyệt 
dẫu sơn hà buồn tựa giấc mơ hoang

thì thôi hãy chia hai niềm hạnh phúc 
nửa để dùng nửa để phòng thân 
và hãy nhân đôi phần đau khổ 
đủ dùng cho bể lụy còn mang.

CHÙM TỨ CÚ

phút ly tâm

chân đã mỏi lòng im như nốt lặng
có phù hoa ngày tháng cũng dư thừa
lao đao lắm những mảnh hồn lưu lạc
muốn quay về e lạc giữa vườn xưa.
giữa phố khuya

phố bỗng già đi như cổ thụ
đêm cũng chùng mình với tịch liêu
chong mắt đèn đường như muốn hỏi
đi về đâu đó bóng liêu xiêu ?

lập Xuân
sáng thức dậy giữa đất trời thơm ngát
những nụ hoa hé nở buổi giao thoa
sóng lòng dậy theo nắng vàng tỏa sáng
và mới hay tình cũng động can qua.
không đề
 
lộng lẫy đất trời thay áo mới
quên một mùa đông lạnh lẽo qua
và một người quên người yêu cũ
quên những ân tình ấm lạnh xưa
thời gian
 
từ một thuở thanh tân trong áo lụa
thoắt một đời người bỗng hóa thành xưa
phút gặp gỡ thất thần nhìn nhau mãi
đã nhạt nhòa như mây giữa chiều mưa.
thời gian 2
 
xin từ giã những hồng nhan cũ
đời chẳng dài như sông chảy về đâu
xưa nhan sắc nay vẫn là nhan sắc
có tàn phai nhan sắc vẫn hằn sâu.