Một bài về NS TRỊNH CÔNG SƠN

Cái chết của ns Trịnh Công Sơn vào ngày 1 tháng 4 như định mệnh trớ trêu. Người nghệ sĩ đã nói thay nỗi buồn của dân tộc Việt Nam trước cuộc nội chiến bằng tập Ca khúc Da Vàng lại mất vào ngày cả thế giới nói dối.

Không thể phủ nhận tài năng của ông nhưng cũng không thể không ghi nhận một đoạn đời sau với chế độ mới, mà ông không giống như là mình đã.
Một giai đoạn nổi trôi, thật buồn cho đời một con người được hàng triệu người hâm mộ dõi theo: số phận là hành trình dài mà không phải ai cũng là một vị thánh để có thể cưỡng lại và thay đổi.

Hãy tưởng tượng nếu không có ngày 30-4-1975, Trịnh Công Sơn sẽ ra sao? Chắc chắn ông cũng sẽ là một nhạc sĩ tài năng, sánh vai cùng các nghệ sĩ cùng thời nhưng chắc sẽ không có những bài hát về thủy điện Trị An, chiến khu D hay bà mẹ kháng chiến. Để rồi chính ông đã ngậm ngùi thương cảm cho chính mình bằng bài hát đầy ẩn dụ Tiến thoái lưỡng nan vào đoạn cuối đời

Sau 1975, ông trở thành một nhân vật over-rated trong cả nước, thậm chí bị biến thành một vị thánh trong một phong trào sùng bái cá nhân của xã hội VN hậu chiến, với một lớp trẻ thiếu điểm tựa tinh thần.

Đã có những lúc, ngày mất của Trịnh Công Sơn trở thành hội hè của những nhóm người, cá nhân muốn quảng bá mình, trục lợi. Đã có lúc có hẳn một phong trào ngồi bên mộ, hát nhân ngày mất của ông. Thậm chí tưởng nhớ là tên gọi của bọn buôn bán đến hẹn lại lên. Đọc nhiều lời tưởng niệm của năm nay, ai là người biết suy nghĩ cũng sẽ thấy ái ngại, ẩn trong những ngôn từ đẹp đẽ là sự lố bịch và không toàn vẹn sự thật.
Nước Mỹ cũng có những nhân vật phản chiến vĩ đại trong thời chiến tranh Việt Nam như Bob Dylan hay Joan Baez nhưng không có nghĩa họ sẽ trở thành những vị thánh hay là các nhà đại hiền triết. Họ ở đúng vị trí của mình là một nghệ sĩ lớn, có tầm của thời đại. Họ được nhìn nhận đúng mực chứ không trở thành nạn nhân của tư duy over-rated.

Rồi một ngày nào đó, vị trí đúng, tâm thế đúng, tình cảm đúng sẽ trả Trịnh Công Sơn về với vị trí con người bình thường hơn. Tôi yêu hình ảnh con người thật ấy, vì nó vẽ lại cả thế giới và thân phận tình yêu – chiến tranh – tuyệt vọng mà Trịnh Công Sơn mang nặng. Nó đẹp hơn một Trịnh Công Sơn hoàn hảo và dễ bị lạm dụng, và không đúng với sự thật như hôm nay.

Nguồn :FB NS Tuấn Khanh